PLEASE INTERFACE LANGUAGES :
English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Số lượt xem bài này:

Sự khác biệt giữa văn hoá Việt và Mỹ !

Nếu như lần sang Mỹ  trước cách đây 4 năm, tôi chỉ chú  trọng đi chơi thăm quan các danh thắng và các trường đại học của Mỹ thì lần này do thời gian dừng chân lâu hơn nên cũng để ý hơn đến sự khác biệt trong văn hoá Mỹ so với văn hoá Việt. Khái niệm văn hoá ở đây hàm ý nhiều hơn đến phong tục tập quán. Xin nêu ra vài nhận xét mà chắc còn lâu mới thể hiện hết được các khác biệt đó:
- Người Mỹ gặp nhau ngoài  đường dù không quen biết cũng chào Hy hoặc Hello. Họ  chào theo phong tục như vậy chứ không có nghĩa là họ để ý đến bạn, định bắt chuyện hay làm quen với bạn. 
- Nếu bạn bè hoặc người quen nói chuyện với nhau mà câu chuyện bị dừng lại, hoặc nói nhát gừng thì là chuyện không bình thường. Người Mỹ gặp nhau nói cười liên hồi, thả  phanh và cố gắng không để khoảng trống hoặc không để ai không tham gia vào cuộc chuyện trò.
- Nếu có ai đó rủ  bạn đi ăn thì có nghĩa là đi cùng cho vui và dễ nói chuyện, còn thì món ăn ai nấy tự chọn cho mình và tiền ai nấy trả. Tuơng tự như vậy trong trường hợp rủ nhau đi xem phim hay ca nhạc.
- Mọi nhà hàng có dịch vụ (bồi bàn) hoặc bất kỳ dịch vụ nào có người phục vụ thì ngoài tiền dịch vụ  theo hoá đơn, bạn còn nên (phải) trả thêm ngoài hoá đơn tiền tip (bồi dưỡng) với mức từ 10 - 20%. Khi ăn xong, người ta sẽ đưa cho bạn 2 liên hoá  đơn. Bạn sẽ tự tay điền vào 1 trong 2 liên  ấy số tiền bạn định tip cùng thẻ trả  tiền. Bạn sẽ giữ lại hoá đơn (có ghi tiền tip) để lưu cho mình, còn nhà hàng lưu hoá  đơn không ghi tip để làm cơ sở tính nộp thuế  (ở Mỹ không có thuế GTGT mà chỉ  có thuế bán lẻ với mức 6,75%).
- Ở Mỹ rất phổ  biến cách tổ chức các buổi gặp mặt có ăn uống theo kiểu mỗi người đăng ký chuẩn bị 1 món mang đến (gọi là potluck). Vì vậy, nếu bạn  được mời dự một cuộc gặp mặt nào đấy nhiều khi cũng có nghĩa là bạn phải suy nghĩ và  mất công chuẩn bị 1 món ăn nào đấy mang đến hoặc ít nhất thì cũng chai rượu, đồ  ăn tráng miệng hoặc túi hoa quả.
- Người Mỹ thích sống tự lập và sòng phẳng, thậm chí giữa cha mẹ và con cái.  Con cái đến tuổi trưởng thành (sau khi tốt nghiệp phổ thông) đều muốn sống tự lập. Nhà bố mẹ còn rộng nhưng vẫn cứ thuê nhà để ở riêng (mặc dù  cùng trong thành phố). Thường bố mẹ chỉ  tài trợ cho con cho đến sau khi tốt nghiệp đại học. Con cái thiếu tiền thì bố mẹ cho vay, khi nào đi làm có tiền thì trả chứ  không cho không.    Người già cũng phải tự lo về tài chính chứ cũng không dựa  được vào con cái. Nếu con cái có mua giúp cái gì  đó thì bố mẹ vẫn phải trả tiền. Chẳng hạn, nếu bố mẹ con cái rủ nhau đi xem ca nhạc thì cũng tiền ai nấy trả.
- Nếu như ở Việt nam, hầu như toàn bộ tài sản của bố mẹ  sau khi qua đời để lại cho con cái
thì ở Mỹ  không hoàn toàn như vậy. Những người giàu thường chỉ để lại cho con 1 phần tài sản của mình, còn phần khác họ có thể di chúc cho ai đó  để làm gì đó theo nguyện vọng của họ. Đó cũng là lý do tại sao ở Mỹ lại có  nhiều học bổng tư nhân. Các khoản tài trợ này sẽ để lại danh tiếng mãi mãi cho người mất bằng cách lấy tên họ đặt tên các công trình mà họ  tài trợ.  (trường học, bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, học bổng...). Chẳng hạn, ở Chapel Hill, nơi cháu Mai Anh học,  đôi vợ chồng Seymour đã bỏ  tiền xây dựng 1 trung tâm chuyên tổ chức các hoạt  động cho những người có tuổi (tương tự như  CLB hưu trí của VN). Ai cũng có thể đến đây tham gia các hoạt động mà phần lớn là miễn phí (hoặc phí thấp). Trung tâm được lấy tên Seymour và ảnh 2 vợ chồng được treo ngay lối ra vào cổng.
-  Người Mỹ ít khi mời ai đến chơi nhà nhưng khi đã mời thì họ  xác định là mất cả ngày, cả buổi tiếp khách. Sau khi ăn uống xong thì chủ và khách sẽ nói chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ. Hết chuyện thì cùng nhau chơi 1 vài trò chơi nào  đó (như chơi bài...) cho đến thâu đêm.
- Người Mỹ kiêng hỏi han những chuyện tư như chuyện gia đình, thu nhập, sức khoẻ, thậm chí công việc...VD: đối với học sinh không hỏi kết quả học...Nếu có được hỏi thì họ thường trả lời chung chung cho qua chuyện. Chẳng hạn, nếu được hỏi làm gì thì họ  có thể trả lời tôi làm về máy tính- thế thôi.
- Người Mỹ thường có  nhiều sở thích và thích sống tự do - có  nghĩa là được làm những gì mình thích và  cũng không bắt buộc người khác phải có sở thích giống mình. Chẳng hạn, nếu vợ thích đi xem kịch mà chồng không thích đi thì người vợ đi xem 1 mình cũng là chuyện bình thường. Họ thường kết bạn theo sở thích và do đó có thể  tham gia vào nhiều nhóm bạn khác nhau theo các sở thích khác nhau.
- Sau khi kết hôn, nếu như  họ thấy hôn nhân không làm cho cuộc sống tốt  đẹp hơn thì họ cũng không chịu đựng mà  thường chọn giải pháp ly hôn. Điều đó cũng giải thích tại sao ở Mỹ tỷ lệ ly hôn cao (khoảng 50%). Tuy nhiên, sau ly hôn, khả năng làm lại của họ cũng dễ dàng hơn đối với cả  nam và nữ vì người Mỹ thường không "chấp" với quá khứ mà chỉ sống cho hiện tại. Tình yêu của họ ít bị vật chất và các tính toán khác như tuổi tác, công việc chi phối. Các đôi tồn tại được qua một số  năm nhất định thì lại rất bền và hạnh phúc. Xã hội Mỹ quen, chấp nhận và tôn trọng các lựa chọn sống khác nhau như sống độc thân, sống đồng tính luyến ái, sống có đôi có con nhưng không kết hôn, sống kết hôn nhưng không có con...
- Một người đã kết hôn không có nghĩa là không còn bạn thân khác giới. Chồng hay vợ đều chấp nhận vợ hay chồng mình có  bạn thân khác giới.
- Người Mỹ thường có  xu hướng giải quyết các vụ việc xảy ra theo cách êm thấm, không nặng nề quy kết trách nhiệm, sao cho tất cả đều vui vẻ (theo kiểu take it easy). Người Mỹ thích vui vẻ, không thích không khí nặng nề. Vì thế, ở Mỹ rất ít xảy ra các vụ lộn xộn, đánh cãi chửi nhau (ít ra là tôi chưa chứng kiến 1 vụ việc cãi nhau nào).

 - Hầu hết các gia đình Mỹ  đều có vật nuôi và họ chăm sóc vật nuôi như thể con cái trong gia đình. Vật nuôi có  thể ngủ chung giường, bát của vật nuôi được rửa chung với bát đũa của người (chung máy rửa bát). Vật nuôi cũng được khám sức khoẻ định kỳ  và thậm chí bác sỹ thú còn kê cả  thuốc chữa các bệnh về tinh thần như trầm cảm cho vật nuôi. Họ mua cả đồ chơi và các  ổ nằm tiện nghi cho vật nuôi (có ổ giá  lên tới 100 USD). Họ nói năng nhẹ nhàng với con vật và không bao giờ tỏ ra giận dữ đối với chúng. Gặp nhau, họ có thể kể hàng giờ về vật nuôi trong nhà mình (như thể  người Việt nam hay nói về con cái mình vậy). Các con vật nuôi dữ tợn có thể được thả  ở ngoài vườn mà không sợ chúng đe doạ  ai hoặc ai đe doạ chúng bởi đã  có hàng rào vô hình (invisible fen).
- Người Mỹ thích sạch sẽ và ở nhà họ có đủ loại các chất tẩy rửa khác nhau. Họ giữ gìn nhà  cửa, đồ dùng rất cẩn thận nên dùng được lâu, ít hỏng mà trông vẫn như mới.
- Họ không trọng hình thức lắm nên nhà cửa bên ngoài trông rất  bình thường (ít nhà sơn tường mà để nguyên gạch xây) nhưng lại trọng tiện nghi. Chẳng hạn, trong nhà ở đâu cũng dễ dàng tìm được các ổ cắm  điện và các công tắc bật tắt đèn trước và  sau khi đi qua. Phía ngoài nhà, 4 phía đều có đèn cảm ứng để nếu có về khuya, về theo hướng nào thì cũng đều có đèn chiếu sáng khi lại gần. Bình thường ăn mặc giản dị, chỉ vài bộ quần áo thay nhau, miễn là tự cảm thấy thoải mái. Cháu Mai Anh cứ buồn cười khi thấy 1 phụ nữ bỏ ra 70 USD để xem 1 buổi biểu diễn nhưng lại mặc bộ đồ giống bộ đồ mặc nhà để đi xem.
- Quan hệ hàng xóm ở  Mỹ không mặn mà như ở Việt nam bởi các lý do sau: nhà ai cũng rộng, nhiều vườn đất nên các ngôi nhà ở tương đối cách xa nhau. Hàng xóm có làm gì hoặc bị làm sao thì cũng khó mà biết được. Ra đường thì lên ngay ô tô nên cũng chẳng gặp nhau mà hỏi chuyện. Ai cũng bận rộn đi làm hoặc đi chơi. Nếu  đi bộ hoặc chạy mà gặp nhau thì Hello là  hết. Ở Mỹ không có khái niệm họp tổ  dân phố, không có tổ trưởng dân phố, không có  sinh hoạt chi bộ hoặc các hoạt động khác tổ  chức tại xóm phường. Nếu có hề hấn gì  thì họ đã có danh sách các số điện thoại để gọi nhờ giúp rồi. Theo số liệu thống kê, trung bình trong đời người Mỹ chuyển chỗ  ở 10 lần và chỗ làm việc 5 lần. Vì  thế hàng xóm cũng thường xuyên biến động.
- Mọi người làm quen, kết bạn chủ yếu qua các hoạt động theo sở thích. Dù bạn có sở thích nào đi chăng nữa thì ở Mỹ cũng dễ dàng tìm được thầy và bạn để cùng tham gia. Chẳng hạn, tôi thích chơi SUDOKU và nghĩ rằng trò chơi này chỉ chơi 1 mình được thôi thì vẫn đọc được trên báo về nhóm chơi SUDOKU 1 buổi/ tuần. Tiếc rằng vì bận nên cũng không tham gia được vì SUDOKU cũng có rất nhiều dạng nhiều cấp độ khác nhau.  Người Mỹ rất chịu khó tìm hiểu, học và  áp dụng các trò chơi, bài tập, điệu nhảy ...của các nước khác, các dân tộc khác.
- Ở Mỹ ít có nhà  vệ sinh công cộng ngoài đường phố. Tuy nhiên, nếu như đang đi đường mà bạn cảm thấy "nỗi buồn bức xúc" thì có thể tìm bất cứ nhà hàng, quán cà phê, cây xăng hay hiệu sách nào bên đường, rẽ vào tìm "Wiliam Cường" để "xả nước cứu thân" rồi đi ra tự nhiên mà không cần phải mua 1 cent tiền hàng nào. Tất cả các nhà hàng quán của Mỹ đều quen chuyện ấy và coi đó bình thường như nghĩa vụ của mình vậy. Nếu đi đường dài thì cứ khoảng 100 km (khoảng 1 giờ lái xe) sẽ có 1 rest area để dừng xe (đỗ miễn phí) mua xăng, ăn uống (thường là ăn nhanh) và giải quyết "nỗi buồn".
Sau đây là một số hình ảnh ở bên Mỹ
Hãy rê chuột về góc trái rồi nhấn vào nút hình quyển sách rồi nhấn tiếp vào nút tam giác nếu muốn xem trình chiếu có các chú thích cho từng ảnh ! Muốn xem lại nhấn vào viền đen xung quanh
Bài và ảnh của Hồng Phương vừa gửi từ Mỹ về !

Đăng nhận xét

1- Nhận xét chỉ nên liên quan đến bài đăng, phải có tính chất xây dựng và có văn hóa !
2- Để chèn biểu tượng cảm xúc vào nhận xét, các bạn nhập các ký hiệu bên dưới của hình vào phần viết nhận xét.
3- Việc nhập tài khoản Google của bạn và nhập 2 từ xác minh trước lúc gửi nhận xét là bắt buộc !
4- Các bạn có thể chèn Video trên Youtube hay ảnh bằng cách dán link của video (trên thanh địa chỉ) hay link ảnh trực tiếp ở khung soạn thảo nhận xét !
5-Các bạn có thể post code trong nhận xét nhưng phải mã hóa code trước ! Để mã hóa code các bạn vào đây